Mới 30 tuổi nhưng thuyền trưởng Lê Văn Sang (phường Thuận Phước, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) khiến nhiều người nể phục khi là chủ của tàu dịch vụ hậu cần nghề cá lớn nhất miền Trung. Anh Lê Văn Sang cũng là người đầu tiên đóng tàu cá bằng vỏ thép.
Dám nghĩ, dám làm
Người cao gầy, dáng thư sinh, giọng nói nhẹ nhàng, mới gặp không ai nghĩ chàng trai trẻ tuổi Lê Văn Sang là dân nghề biển. Thế nhưng, anh lại là “thủ lĩnh” của nhiều tàu hậu cần nghề cá “khủng” ở Đà Nẵng cũng như khu vực miền Trung với quyết tâm vươn tận vùng biển xa phục vụ bà con ngư dân.
Khát vọng của thuyền trưởng Lê Văn Sang (trái) là xây dựng một đội tàu hậu cần và khai thác chuyên nghiệp. |
Học quản trị khách sạn tại TP Hồ Chí Minh rồi làm việc cho một công ty chuyên tổ chức sự kiện, những tưởng Sang sẽ chọn cho mình con đường học vấn chứ không theo truyền thống gia đình. Tuy nhiên, chuyến đi “định mệnh” đã khiến Sang đột ngột chuyển hướng và quyết định trở về quê hương cùng cha bám biển.
Sang nhớ lại: “Đó là ngày 1/5/2010. Tôi về nhà nghỉ lễ và cùng ba theo tàu ra biển chơi. Qua chuyến đi, tôi nhận thấy nguồn lợi hải sản bị mất mát nhiều quá do ngư dân thiếu dầu máy, đá ướp lạnh… cho những chuyến biển dài ngày. Trong khi đó, hậu cần nghề cá nếu làm tốt, cung ứng kịp thời cho các tàu đánh bắt thì hiệu quả kinh tế sẽ tăng lên rất nhiều”.
Tàu ĐNa 90444TS là tàu hậu cần nghề cá lớn nhất miền Trung vào thời điểm này. |
Từ chuyến đi này, Sang quyết tâm vào nghề. Anh được ba giao phó con tàu ĐNa 90424TS của gia đình làm dịch vụ hậu cần cho các tàu cá đánh bắt gần bờ. Chỉ sau một thời gian ngắn, Sang đã thông thuộc từng luồng lạch, đưa tàu đến những điểm thu mua thủy sản và cung cấp đá, dầu diesel… Vào thời điểm đó, miền Trung chưa có nhiều tàu lớn, nhất là tàu dịch vụ hậu cần. Gia đình Lê Văn Sang cũng chỉ có tàu công suất 320CV làm hậu cần. Sang cho biết, với tàu công suất nhỏ thì lượng hàng hóa mang theo không nhiều, thêm vào đó lại không thể tiếp cận với các đội tàu đánh bắt xa bờ hàng trăm hải lý. Đặc biệt gặp hôm thời tiết không thuận lợi, sóng to gió lớn thì tàu phải nằm bờ.
Nghĩ là làm, Sang quyết định cải tạo, nâng cấp tàu của mình lên 502 CV và mua thêm một tàu hậu cần khác tạo thành một tổ dịch vụ hậu cần nghề cá khép kín. Đội tàu của gia đình anh có nhiệm vụ thu mua các loại hải sản ở các tàu đánh cá về giao lại cho các điểm gom hàng ở đất liền. Bên cạnh đó, tàu hậu cần còn cung ứng dầu, lương thực, thuốc men tiếp sức cho tàu cá tiếp tục ra khơi đánh bắt. Tuy nhiên, đội tàu của Sang cũng chỉ hoạt động cách bờ khoảng 60- 70 hải lý. Dự định đầu tư đóng tàu lớn, có thể vươn ra các ngư trường lớn ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã lóe lên trong đầu người thuyền trưởng trẻ tuổi. Bằng nhiệt huyết và sức sáng tạo của tuổi trẻ, Sang quyết tâm thực hiện bằng được.
Khát vọng vươn khơi xa
Để thực hiện khát vọng của mình, năm 2011, Sang vào Quảng Ngãi để học và thi lấy bằng thuyền trưởng. Có bằng rồi nhưng quan trọng hơn cả là nguồn vốn. Để có tiền đóng tàu lớn, Sang thế chấp tài sản vay ngân hàng hơn 1 tỷ đồng, rồi chạy vạy khắp nơi thuê người thiết kế, mua gỗ, máy móc thiết bị cho con tàu của mình. Mơ ước của anh đã thành hiện thực khi vào giữa năm 2012, con tàu mang số hiệu ĐNa 90444TS với công suất 1.160 CV (sau được nâng cấp thành 1.300 CV) hạ thủy.
Tàu có chiều dài 26 m, rộng 6 m, 27 khoang chứa với tổng thể tích 120 m3, tốc độ 10 - 12 hải lý/giờ, có thể chứa 5.000 - 7.000 lít dầu, 1.500 cây đá lạnh, 20 tấn lương thực, nước uống… Đặc biệt, tàu có thể hoạt động trong điều kiện gió bão cấp 7-8. Đây là tàu hậu cần lớn nhất miền Trung trong giai đoạn hiện nay.
Mỗi năm tàu ĐNa 90444TS thực hiện hơn 50 chuyến đi biển, vận chuyển hàng chục nghìn lít xăng dầu, hàng nghìn tấn nước, hàng chục nghìn cây đá, hàng chục tấn lương thực ra khơi cung cấp cho ngư dân, đồng thời chở về đất liền hơn một nghìn tấn hải sản các loại. Sau gần hai năm, Sang đã trả nợ xong tiền vay đóng tàu. Thế nhưng, khát vọng của người thuyền trưởng không dừng lại ở đây. Anh luôn mong muốn làm sao ứng dụng công nghệ tốt nhất để hiện đại hóa nghề cá hơn. Tàu cá vỏ thép đã có từ lâu trên thế giới nhưng ở Việt Nam thì vẫn còn quá xa lạ.
Chính vì thế, khi Chính phủ thí điểm đóng 20 tàu thép cho Quảng Ngãi, Sang bàn với anh vợ đăng ký triển khai. Rồi sau đó, cả năm trời, Sang tự mày mò, nghiên cứu tài liệu, thiết kế mẫu tàu sắt SANGFISH 01, trình đơn vị đóng tàu. Giữa tháng 7/2014, con tàu hạ thủy, về cửa biển Đà Nẵng. Tàu có công suất 750 CV có trang thiết bị hiện đại, dài 26 m, rộng 7,5 m, tải trọng 182 tấn, với 25 thuyền viên với trị giá khoảng 12 tỉ đồng.
Ba chuyến thực nghiệm hậu cần, con tàu SANGFISH 01 đã khẳng định ưu điểm bởi khả năng lướt sóng, giảm nhiên liệu và bảo quản sản phẩm tối đa. Sang cho biết, để vận hành tàu thép thì từ thuyền trưởng đến các thuyền viên phải có kỹ năng nhất định. Vì thế, bản thân Sang luôn tự trau dồi, nghiên cứu các kiến thức về hàng hải, rađa, các thiết bị máy móc… “Với SANGFISH 01, tôi tin chắc thời gian tới sẽ mang lại nhiều thắng lợi cho chúng tôi cũng như anh em lao động trong những chuyến biển xa”, thuyền trưởng 8X khẳng định chắc nịch.
Mới vào nghề hơn 5 năm và tuổi đời còn rất trẻ nhưng những gì Sang làm được đã khiến nhiều người phải nể phục. Chia sẻ về dự định trong tương lai, Sang cho biết, trong năm 2015 sẽ cho ra đời con tàu vỏ thép hiệu SANGFISH 02 vừa khai thác, vừa làm dịch vụ hậu cần. Hiện tại, Sang đang nộp hồ sơ để vay theo Nghị định 67 và hồ sơ được chuyển đến Ngân hàng Đầu tư và phát triển, Chi nhánh Hải Vân để vay 14 tỷ đồng. Tương lai xa hơn là xây dựng một đội tàu hậu cần và khai thác chuyên nghiệp, cung cấp lương thực, thực phẩm, nhiên liệu và thu mua hải sản cho ngư dân miền Trung để giúp họ yên tâm bám biển sản xuất dài ngày.
Thu Phương