(TBKTSG) - Báo International Herald Tribune ngày 4-1-2009 có một bài viết về thời kỳ khó khăn mà ngành đóng tàu Hàn Quốc đang trải qua. Quốc gia đứng đầu thế giới về công nghiệp đóng tàu này đang đối mặt với lượng đơn đặt hàng sụt giảm trong những tháng gần đây.
Từ khó khăn của Hàn Quốc, nhìn về ngành công nghiệp vốn được xem là mũi nhọn của Việt Nam, lại càng thấy nhiều điều bất ổn. Tại hội thảo đánh giá tác động sau hai năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đối với ngành cơ khí, đóng tàu vào cuối tháng 12 vừa qua tại Hà Nội, các báo cáo cho biết ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ cho công nghiệp đóng tàu vẫn còn yếu kém và ngành đóng tàu hiện nay chưa thực sự là công nghiệp chế tạo mà chỉ là lắp ráp.
Trước đó, vào tháng 3-2008, trong một buổi họp báo của tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), ông Nguyễn Quốc Ánh, Tổng giám đốc kinh doanh của Vinashin, đã công bố việc tạp chí Fairplay bầu chọn ngành đóng tàu Việt Nam vào danh sách năm cường quốc đóng tàu thế giới.
Ông Ánh cho biết đây cũng là mục tiêu phấn đấu của Vinashin và việc có thể đứng trong top 5 thế giới là do Việt Nam có nhiều lợi thế như nhân công trẻ, năng động, sáng tạo, lành nghề… và đi sau nên đã ứng dụng được các công nghệ hiện đại của thế giới, do vậy có thể cạnh tranh với các nước có nền công nghiệp đóng tàu phát triển.
Ngành đóng tàu Việt Nam hiện đã xuất xưởng được hàng loạt con tàu đạt tiêu chuẩn quốc tế, với đủ chủng loại như tàu hàng từ 1.000-150.000 tấn, tàu chở dầu thô trên 100.000 tấn, tàu chở container cỡ lớn, tàu chở ô tô, hóa chất, khí hóa lỏng và cả các loại tàu cứu hộ, tàu cao tốc phục vụ cho an ninh, quốc phòng…
Những hợp đồng đóng tàu xuất khẩu cho các nước châu Âu và cả những cường quốc trong lĩnh vực này như Nhật Bản, Hàn Quốc với giá trị từ vài trăm triệu đến cả tỉ đô la Mỹ trong những năm gần đây đã nhiều lần được những người đứng đầu Vinashin nhắc đến như thành công của ngành.
Thế nhưng, theo nhiều báo cáo, phần lớn máy móc, vật tư đóng tàu đều phải nhập khẩu dẫn đến năng lực cạnh tranh của ngành chưa cao, giá trị gia tăng trong sản phẩm không lớn, chỉ khoảng 30%. Báo cáo của Cục Đăng kiểm Việt Nam tại hội thảo nói trên đánh giá rằng do khủng hoảng tài chính toàn cầu, hầu hết các dự án đóng tàu hiện nay đều bị chậm tiến độ. Nhiều dự án đã phải hủy bỏ hoặc bị đình trệ, khiến nhiều cơ sở đóng tàu gặp khó khăn trong việc tìm nguồn vốn duy trì sản xuất.
Sự phát triển “nóng” của ngành đóng tàu trong những năm gần đây cũng đã bộc lộ những hạn chế về mặt vốn, công nghệ, thiết bị, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Lãnh đạo một nhà máy đóng tàu cỡ lớn trực thuộc Vinashin từng nói với TBKTSG rằng ngành đóng tàu Việt Nam đang thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, cụ thể là ở lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, đào tạo và thiết kế - vốn là những khâu liên quan mật thiết đến việc giúp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm.
Nhìn vào bản đồ phát triển nhà máy đóng tàu của Vinashin trong vòng 7-8 năm trở lại đây, có thể thấy được sự dàn trải trên khắp chiều dài đất nước. Nhiều về số lượng nhà máy nhưng điều đáng quan ngại là hạ tầng vật chất và trang thiết bị của các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu khoa học, thử nghiệm và thiết kế tàu thủy của Việt Nam đang ở mức rất thấp. Và, với đà sụt giảm đơn đặt hàng đóng tàu trên toàn thế giới - theo dự báo của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (CSRC) là 60% trong năm 2009 và năm 2010 sẽ giảm khoảng 30% - thì liệu những nhà máy đóng tàu mới được đầu tư của Vinashin, có thể tìm được đơn hàng và giải bài toán thu hồi vốn?
Một sự mất cân đối khác nữa là tỷ lệ giữa nhà máy đóng tàu và cơ sở sửa chữa tàu biển. Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong số 128 cơ sở đóng tàu trên cả nước thì số cơ sở có thể sửa chữa tàu biển có trọng tải từ 6.500 tấn trở lên chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Bàn về mục tiêu đến năm 2010, ngành đóng tàu đạt tỷ lệ hội địa hóa 60%, nhiều chuyên gia cho rằng phải nâng cao chất lượng công tác đào tạo, chú trọng xây dựng và phát triển các cơ sở nghiên cứu khoa học, thử nghiệm và thiết kế tàu thủy. Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác là phát triển công nghiệp phụ trợ như luyện kim, chế tạo thép, chế tạo động cơ và các dịch vụ kỹ thuật hàng hải… Tóm lại là còn quá nhiều việc phải làm, trong khi thời hạn mà chỉ tiêu đặt ra thì đã gần kề!