Tàu Cảnh sát biển đa năng số hiệu CSB 8002 hạ thủy phục vụ hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo được đóng tại Tổng Công ty Sông Thu. |
Tổng Công ty Sông Thu đang trở thành đơn vị đóng tàu lớn, có uy tín trong và ngoài nước. Những con tàu sản sinh từ Tổng Công ty Sông Thu lần lượt vươn khơi, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Hồi tháng 7-2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi đến thăm và làm việc tại Tổng Công ty Sông Thu có nói: “Chúng ta đã đóng được tàu Cảnh sát biển công suất lớn hiện đại như tàu DN 2000 rồi thì hà cớ gì chúng ta không thể đóng tàu to lớn hơn được”.
Còn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi đến nhà máy cũng khẳng định: “Việt Nam có bờ biển dài, kinh tế đất nước gắn liền với biển. Vì vậy, Việt Nam không bao giờ từ bỏ công nghiệp đóng tàu”. Đó là sự tự hào của Tổng Công ty Sông Thu, một DN đóng tàu ở Đà Nẵng được lãnh đạo đất nước gửi gắm niềm tin vào năng lực đóng tàu phục vụ sự nghiệp phát triển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Tổng Công ty Sông Thu hiện là đơn vị thực hiện đóng mới, sửa chữa tàu biển cho các đơn vị trong và ngoài quân đội như: Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải...
Qua sự đột phá trong tiếp cận và ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực đóng tàu, mua các bản quyền thiết kế… làm cho Tổng Công ty Sông Thu có được bước phát triển mạnh mẽ, định hình được dòng sản phẩm chủ lực như tàu cứu hộ, cứu nạn, cứu hỏa, tàu lai dắt cảng, dịch vụ dầu khí...; làm chủ được công nghệ, cùng đầu tư trang thiết bị sản xuất hiện đại như đầu tư hệ thống nâng hạ tàu cơ điện Rolls& Royce - Mỹ.
Đây là thiết bị hiện đại bậc nhất về hệ thống nâng hạ tàu cơ điện của ngành đóng tàu, làm cho DN là đơn vị đầu tiên của cả nước và là DN thứ 2 ở Đông Nam Á (sau Singapore) sở hữu loại thiết bị này. Từ đây, hàng loạt tàu đa năng, đặc chủng có kỹ thuật phức tạp được đóng, trong đó có tàu cung cấp cho hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam và xuất khẩu sang các nước.
Tổng Công ty Sông Thu được xem như nhà máy đóng tàu đa năng bởi DN phát huy được sức sáng tạo trong đội ngũ kỹ sư, công nhân lao động khi những năm qua đã có hơn 340 đề tài khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật được cán bộ, kỹ sư, công nhân đề xuất, áp dụng vào thực tiễn đóng tàu.
Dịp cuối năm 2014, khi đặt ky đóng mới tàu DN 2000 mang tên CSB 8004 cho Cảnh sát biển Việt Nam, Đại tá Hà Sơn Hải, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Sông Thu tự tin cam kết sẽ hoàn thành con tàu này trong vòng 12 tháng để bàn giao cho Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển.
Đây là loại tàu đa năng hiện đại nhất của Cảnh sát biển có chiều dài hơn 90m, có sân đỗ trực thăng, công suất 12.016CV, tầm hoạt động 5.000 hải lý, chịu được gió cấp 12, có khả năng cứu kéo các tàu bị nạn có lượng giãn nước trên 2.200 tấn và đây cũng là chiếc thứ hai được đóng tại Tổng Công ty Sông Thu. Trước đó, ngày 4-10-2014, chiếc DN 2000 đầu tiên cũng đã hạ thủy và được đặt tên CSB 8002.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng, thời điểm đóng CSB 8002 cũng là lúc phải di dời nhà máy cũ từ sông Hàn sang vị trí mới ven vịnh Đà Nẵng. Bên cạnh đó, một số thiết kế của CSB 8002 cũng thay đổi như sân đỗ trực thăng, khu vực be chắn sóng phía mũi và một số chi tiết khác cho phù hợp với thực tiễn và điều kiện của VN. “Khó khăn trong giai đoạn này rất lớn, nhưng chúng tôi đã vượt qua, vừa đóng tàu cho Cảnh sát biển, vừa hạ thủy bàn giao 12 tàu xuất khẩu các loại đạt chuẩn châu Âu cho các nước Đức, Mexico, Australia...”, Đại tá Hà Sơn Hải chia sẻ.
Một cán bộ kỹ thuật của Tổng Công ty Sông Thu nói thêm như để minh chứng cho việc tiếp cận, làm chủ công nghệ đóng tàu hiện đại: “Lần đầu tiên anh em chúng tôi đóng tàu kéo cứu hộ, cứu nạn đa năng ký hiệu thiết kế DST 4612 cho Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam phải mất 18 tháng, còn nay thì chỉ cần 10 tháng là hoàn thành tàu bàn giao cho Cảnh sát biển Việt Nam”. Sức sản xuất ở Tổng Công ty Sông Thu bật lên mạnh mẽ khi có năm DN sản xuất 8 chiếc tàu kéo cảng đa năng xuất khẩu được hạ thủy, bàn giao cho đối tác.
Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG