10.000 tỷ đóng tàu vỏ thép:Kỹ sư thiết kế có ra biển?

T3, 05 / 05 / 2015
Google+ logo Twitter logo ZingMe logo Facebook logo

Chiều ngày 24/6/2014, phóng viên báo Đất Việt đã có cuộc trao đổi với một số lãnh đạo của Hội nghề cá Việt Nam về vấn đề Chính phủ mở gói hỗ trợ 10.000 tỷ đồng giúp ngư dân Việt Nam vay vốn đóng tàu cá vỏ sắt.

Ông Trần Cao Mưu, Tổng thư ký Hội nghề cá Việt Nam cho biết: "Sau cuộc họp 13/6 của Chính phủ ở Đà Nẵng, vẫn chưa ký quyết định vận hành quyết định này, mọi công việc vẫn đang phải lên kế hoạch, nghiên cứu một cách kỹ lưỡng".

"Ở đây không chỉ có vấn đề là cho ngư dân vay tiền để đóng được một con tàu vỏ thép mà còn hàng loạt các vấn đề phải giải quyết đồng bộ như hạ tầng nghề cá, bến bãi, sửa chữa bảo dưỡng những con tàu cá vỏ sắt này. Ngoài việc dành cho đóng tàu còn phải để hỗ trợ cho các hoạt động đầu ra, làm sao để ngư dân ra khơi và sản phẩm khai thác được phải mang lại nguồn lợi kinh tế cao nhất" - Ông Trần Cao Mưu cho biết.

Về vấn đề ngư dân của Quảng Ngãi và Nam Định đi thử hai tàu mẫu của SBIC đóng và không được ưng ý, ông Trần Cao Mưu nhận định: "Tốt hay không tốt là do ngư dân nhận biết chứ Hội thì không thể biết được. Hội  nghề cá chỉ nói được cái rất chung là làm thế nào để triển khai một cách hiệu quả, đồng bộ. Còn rất nhiều công việc phải làm để chủ trương lớn này thành công chứ không phải cứ làm thế nào đóng nhiều tàu cá vỏ thép, vay được nhiều vốn là xong."

Hạ thủy con tàu Sang Fish 01 do công ty con của SBIC đóng cho ngư dân Đà Nẵng
Hạ thủy con tàu Sang Fish 01 do công ty con của SBIC đóng cho ngư dân Đà Nẵng

Trong khi đó, Phó Chủ tịch thường trực Hội nghề cá Việt Nam, PGS-TS Võ Văn Trác nhận định: "Ngoài các vấn đề triển khai đồng bộ thì còn một điểm cần lưu ý là ngư dân phải được quyền tham gia vào việc đóng tàu của mình. Con tàu ưng ý thì ngư dân mới có thể tự tin vươn khơi, đánh bắt sản xuất mới có hiệu quả."

Ông Trác lý giải: "Cụ thể là từng hợp đồng mà ngư dân ký với đơn vị đóng tàu, dù là SBIC hay là đơn vị nào cũng cần phải tham gia đóng góp ý kiến vào khâu thiết kế, giám sát khâu chế tạo... Dù có bao nhiêu hợp đồng thì mỗi hợp đồng riêng đều phải đảm bảo được những công việc như vậy. Có như thế mới tránh thất thoát lãng phí cho ngư dân."

PGS-TS Võ Văn Trác nêu quan điểm: "Theo tôi phải lập một ban chuyên trách cụ thể, gồm có cả kỹ sư thiết kế, thành viên ban quản lý chương trình... cùng ngư dân xuống thuyền ra khơi, bám biển nhiều ngày. Có như thế mới hiểu ngư dân cần gì, thực tế của vấn đề như thế nào. Chứ cứ quản lý trên bàn giấy sẽ không thể đi đến đâu cả."

10.000 tỷ đóng tàu:Chưa dám ra Hoàng Sa bằng mẫu tàu SBIC!

 

Đồng quan điểm với ý kiến của ông Trác, trong cuộc phỏng vấn với báo Đất Việt trước đó, Ông Tạ Quang Ngọc - Nguyên Bộ trưởng Bộ thủy sản (nay là Tổng cục Thủy sản – Bộ NN&PTNT) cho rằng cần phải tổ chức mỗi ngành nghề một đội tàu thí điểm. Trên đó phải có các kỹ sư thiết kế để nắm bắt được thực tế nghề nghiệp và tích lũy kinh nghiệm.

"Trước đây các kỹ sư của Việt Nam đều phải xuống tàu cùng ngư dân trong các đội tàu quốc doanh, họ không chỉ giỏi nghề của họ mà còn đánh cá rất giỏi, đó là điều mà ngày nay cần học hỏi." - Ông Ngọc nhận định.

Tiếp đó, ông Ngọc chia sẻ thêm, về giải pháp cho sửa chữa tàu cá, hiện tại Việt Nam đang có rất nhiều cơ sở đóng tàu tư nhân có năng lực nhưng không có việc làm đang phải nằm đắp chiếu, đặc biệt ở các khu vực Hải Phòng, Nam Định... Cần phải có sự rà soát tổng thể để khôi phục lại nguồn năng lực này, thay vì đầu tư mới và đầu tư ồ ạt.

Hội Nghề cá Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp được Bộ Nội vụ ký quyết định thành lập 5/5/2000, mục đích tập hợp những cá nhân và tổ chức thuộc các thành phần kinh tế hoạt động trong các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến, tiêu thu và hậu cần dịch vụ nghề cá nhằm hỗ trợ, giúp đỡ nhau về kinh tế - kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người làm nghề cá Việt Nam.

Hội nghề cá Việt Nam đại diện bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên, ngư dân; thúc đẩy đàm thoại và đưa tiếng nói của ngư dân đến các nhà hoạch định chính sách, góp phần vào điều chỉnh và xây dựng chính sách đưa nghề cá phát triển bền vững, từng bước hội nhập quốc tế.

Hội còn là nơi chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi thông tin giữa các tổ chức thành viên và các tổ chức khác, các cơ quan chức năng của Chính phủ về các vấn đề liên quan đến phát triển nghề cá bền vững ở Việt Nam.

 

Đỗ Tú

TIỆN ÍCH

LichThuyTrieu

VanBanPhapQuy

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

YAHOO SKYPE GMAIL

VIDEO CLIP